07/08/2024

MỘT SỐ NGHỆ SỸ ORIGAMI TIÊU BIỂU

Yoshizawa Akira

Nói đến Origami, trước tiên phải nói đến Yoshizawa Akira, ông được coi là cha đẻ của origami hiện đại, người đưa Origami từ một kỹ năng thành một môn nghệ thuật đương đại. Ông đã đóng góp không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về hình thức và sự sáng tạo. Ông đã từng gấp 50 nghìn mẫu và viết 18 cuốn sách về Origami.

Yoshizawa Akira sinh ngày 14 tháng 3 năm 1911, tại Kaminokawa, Nhật Bản. Xuất thân trong một gia đình nông dân chăn nuôi bò sữa. Khi còn là một đứa trẻ, Yoshizawa Akira đã rất yêu thích và mày mò tự học origami. Năm 13 tuổi ông chuyển đến và làm việc tại một nhà máy ở Tokyo. Năm 20 tuổi, khi ông được thăng chức lên làm người thảo văn thư kỹ thuật, công việc mới của ông là dạy cho nhân viên hiểu về các mô hình kỹ thuật. Yoshizawa đã sử dụng nghệ thuật truyền thống của origami để giao tiếp và giải thích cho mọi người  hiểu về các mô hình đó.

Năm 1937, ông rời nhà máy để dành toàn bộ thời gian theo đuổi bộ môn origami. Trong 20 năm sau đó, ông sống trong nghèo đói, kiếm sống bằng cách đi hết nhà này đến nhà khác để bán tsukudani (một gia vị của Nhật Bản thường được làm bằng rong biển). Trong Thế chiến thứ II, Akira Yoshizawa phục vụ trong quân đoàn y tế ở Hồng Kông. Ông làm các mô hình origami để cổ vũ cho các bệnh nhân và thương binh. Các tác phẩm origami của ông vô cùng phong phú và sáng tạo. Năm 1954, cuốn sách đầu tiên “Atarashii Origami Geijutsu (nghệ thuật origami mới)” đã được xuất bản. Trong đó ông đã giới thiệu bộ ký hiệu cho các nếp gấp origami, và bộ ký hiệu này đã trở thành tiêu chuẩn cho hầu hết các sách hướng dẫn gấp giấy sau này. Sự xuất bản của cuốn sách này đã giúp Yoshizawa thoát khỏi cảnh nghèo, sau đó ông sáng lập trung tâm Origami quốc tế tại Tokyo vào năm 1954, khi ông đã 43 tuổi.

Triển lãm ở nước ngoài đầu tiên của ông được tổ chức vào năm 1955 tại bảo tàng Stedelijk bởi Felix Tikotin, một kiến trúc sư người Hà Lan. Yoshizawa cũng đã gửi các mô hình riêng của mình cho các buổi triển lãm khác trên thế giới, ông không bao giờ bán các tác phẩm của mình, mà gửi cho mọi người như những món quà, và cho các nhóm hay tổ chức khác mượn để đem đi triển lãm.

Năm 1983, Nhật Hoàng Hirohito phong cho ông tước Húc Nhật Chương, là một trong các huân chương cao quý nhất cho một công dân Nhật. Ông mất vào ngày 14 tháng 3 năm 2005 đúng sinh nhật lần thứ 94 của mình.

Kamiya Satoshi

KamiyaSatoshi ngày 6 tháng 6 năm 1981 ở Nagoya, Nhật Bản, anh là một trong những bậc thầy trẻ nhất và cũng nổi tiếng tài hoa nhất về nghệ thuật xếp giấy Origami trên thế giới. 

Bắt đầu học xếp giấy từ lúc mói 2 tuổi, tới nay Satoshi đã tạo ra hàng trăm mẫu xếp giấy khác nhau. Một số mẫu xếp giấy nổi tiếng nhất của Kamiya Satoshi có thể kể đến như rồng Ryujin 3.5 (long thần -2005), Ancient Dragon (rồng cổ đại phương Tây -2002), Phoenix 3.5 (phượng hoàng), Wasp 2.6 (ong bắp cày), Alduin (the world eater - con rồng trong tựa game Skyrim nổi tiếng).

Satoshi đã sáng tác các mẫu xếp từ việc lấy ý tưởng trong các tập truyện tranh Nhật Bản. Hầu hết những mẫu xếp giấy của Satoshi đều vô cùng phức tạp, chẳng hạn Ancient dragon, đòi hỏi 274 bước để xếp và được xếp từ giấy vuông Tissue Foil khổ lớn (một loại giấy tráng kim loại mỏng), thậm chí mẫu phức tạp nhất - Ryujin 3.5 được gấp bằng giấy vuông rộng 2 mét vuông, trong thời gian khoảng 1 tháng. Ngoài ra, anh còn sáng tác rất nhiều mẫu với chủ đề chủ yếu là động vật (bao gồm cả các loại khủng long, hay các sinh vật trong truyền thuyết)

Năm 2003, Kamiya đã viết một cuốn sách, “Works of Satoshi Kamiya” - là cuốn sách đầu tiên của anh, bao gồm 19 mẫu xếp giấy thử thách người chơi. Hiện nay anh đã xuất bản cuốn sách Works of Satoshi Kamiya 2, bao gồm các hướng dẫn phức tạp và thú vị.

Robert J. Lang

Robert J. Lang sinh ngày 4 tháng 5 năm 1961 là một nhà vật lý người Mỹ đồng thời cũng là một trong những nghệ sĩ origami và nhà nghiên cứu lý thuyết hàng đầu thế giới. Trong lĩnh vực origami, ông được biết đến với nhiều sáng tác phức tạp và ấn tượng, đặc biệt là những mẫu về động vật và côn trùng. Ông cũng là một trong những nhà nghiên cứu “Toán học Origami” và đạt được những thành công to lớn trong ứng dụng “Toán học Origami” để giải quyết các vấn đề thực tế.

Samuel L Randlett

Samuel L Randlett sinh ngày 11 tháng 1 năm 1930, tại New Jersey là một nghệ sĩ gấp giấy origami người Mỹ, người đã giúp phát triển hệ thống hiện đại để vẽ sơ đồ các nếp gấp origami. Ông đã phát triển các ký hiệu do Yoshizawa Akira giới thiệu để tạo thành cái mà hiện nay gọi là hệ thống Yoshizawa-Randlett.

Samuel L Randlett tốt nghiệp Đại học Northwestern và trở thành giáo sư âm nhạc. Ông bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật gấp giấy vào năm 1958 và trong vòng một năm đã có những tác phẩm của riêng mình được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí Cooper Union ở New York. Ông được biết đến với tư cách là biên tạp viên của tạp chí The Art of Origami.

Nguyễn Hùng Cường

Trong cộng đồng sáng tạo Origami của Việt Nam, người ta gọi Nguyễn Hùng Cường là “thần đồng”. Anh là người có khá nhiều danh tiếng quốc tế trong môn nghệ thuật đặc biệt này.

Sinh năm 1989, học chuyên Toán trường Amsterdam, tốt nghiệp ĐH Bách khoa, Học thạc sĩ kỹ thuật điện tử Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng sau đó đã bỏ hết chỉ để theo đuổi đam mê Origami của mình.

Những tác phẩm Origami của anh được các trang báo như Huffington Post, ABC News, Thisiscolossal... của Mỹ đưa tin giới thiệu và khen ngợi. Tác phẩm Khỉ đột của anh từng được nghệ nhân Origami nổi tiếng thế giới Robert J.Lang đánh giá là 1 trong 2 tác phẩm mà ông yêu thích nhất tại triển lãm của Hội Origami Mỹ (OUSA).

Hiền Hậu

......................................................................................

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC


👉XEM THÊM

------------------------------------------------------

SHOP HIỀN HẬU


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét